Nghệ Thuật Thứ 7

Diễn đàn Phim Ảnh - Thỏa sức đam mê cùng những người bạn tuyệt vời!

Câu chuyện nghề quay phim

Thảo luận trong 'Quay phim - Dựng phim' bắt đầu bởi minh art, 6/9/17.

  1. Làm sao để ghi lại cuộc sống đang chuyển động?

    Máy ảnh và nghệ thuật nhiếp ảnh ra đời, giúp ghi lại chính xác, chân thực những khoảnh khắc quý giá trong cuộc sống tự nhiên và xã hội, đem lại cho nhân loại một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ cũng như khả năng lưu trữ mới.

    Nhưng cuộc sống luôn chuyển động. Và những bức ảnh tĩnh không làm hài lòng những người ưa thích chuyển động cũng như phân tích chuyển động.

    Năm 1878, cựu thống đốc bang California yêu cầu nhà nhiếp ảnh Eadweard J. Muybridge tìm ra cách chụp hình ảnh một con ngựa đang chạy để nghiên cứu dáng chạy của chúng.

    Eadweard đã nghĩ ra cách đặt một hàng 12 chiếc máy ảnh trên đường chạy của con ngựa. Mỗi máy sẽ chụp một cảnh trong khoảng 1,5 giây. Sau đó, ông dùng đèn chiếu để chiếu lên các hình ảnh chuyển động của con ngựa. Các hình ảnh này đã được ông sao chép khéo léo vào một đĩa tròn. Khi đã tròn quay, nhờ một chiếc đèn chiếu, mắt chúng ta sẽ nhận được ảo giác về chuyển động của con ngựa.

    Cùng với bước đi của thời gian và những bước tiến vượt bậc của khoa học và công nghệ, con người đã biến hành động thu hình đơn giản thành nghệ thuật quay phim.

    [​IMG]

    Nghệ thuật sáng tạo ấy được nhà quay phim người Italia nổi tiếng Vittorio Storaro, người từng ba lần đoạt Giải Oscar cho quay phim xuất sắc nhất miêu tả như sau:

    [​IMG]
    “Nhà quay phim điện ảnh là nhà văn sử dụng ánh sáng, hình ảnh và màu sắc, lấy kinh nghiệm, sự mẫn cảm và cả trí tuệ, tình cảm để in dấu phong cách của mình lên tác phẩm điện ảnh”.

    · Hoàng đế cuối cùng và “ngòi bút” ánh sáng của Vittorio Storaro

    [​IMG]
    Bắt đầu học quay phim từ năm 11 tuổi, hơn nửa thế kỷ gắn bó với máy quay phim, Vittorio Storaro đã trở thành một tên tuổi góp phần vinh danh cho nghề “viết văn bằng ánh sáng” theo cách gọi của ông.
    Bộ phim đầu tiên mang về giải Oscar cho Storaro là Apocalypse Now (1979) do Francis Ford Coppola làm đạo diễn. Coppola đã cho Storaro quyền tự do sáng tạo tối đa trong phim. Bộ phim đã được nhiều nhà phê bình đánh giá là một trong những phim có cảnh quay đẹp mắt, ngoạn mục nhất của mọi thời đại.

    Storaro đã tạo nên những nguyên tắc, triết lý quay phim của riêng mình. Ông tập trung vào ánh sáng và màu sắc, vào những hiệu ứng tâm lý học của từng loại màu sắc và cách thức mà chúng ảnh hưởng lên cảm nhận của chúng ta trong những hoàn cảnh khác nhau.

    Cùng với Reds, The last Emperor (Hoàng đế cuối cùng) nối tiếp Apocalypse Now mang về tượng vàng Oscar cho Storaro.

    Cách xử lí ánh sáng với hoàng đế Phổ Nghi (nhân vật chính của phim Hoàng đế cuối cùng) trở thành ví dụ nổi tiếng thường được nhắc tới trong các giờ học quay phim ở nhiều trường điện ảnh trên thế giới.

    Khi Phổ Nghi ở trong Tử Cấm Thành, nhân vật thường không xuất hiện dưới ánh sáng trực tiếp nhiều khuôn hình một nửa tối đen. Bởi lẽ trong giai đoạn này, đức vua hoàn toàn bị cách biệt với thế giới bên ngoài.

    [​IMG]

    Nhưng ở đoạn sau, ánh sáng chiếu lên người Phổ Nghi sáng dần lên, cùng với sự kiện Người được gia sư Pháp truyền dạy cho nhiều kiến thức. Cuối phim, toàn cơ thể vị hoàng đế cuối cùng của triều Thanh được bao bọc trong ánh sáng. Storio đã sử dụng nhuần nhuyễn ánh sáng - một trong những yếu tố tạo hình quan trọng của nhà quay phim - để diễn đạt ý nghĩa và bước phát triển của câu chuyện một cách đầy tinh tế.

    · Anh hùng và “thuật tô màu” của Christopber Doyle

    [​IMG]
    Trong giới điện ảnh, tên tuổi nhà quay phim tài ba Christopher Doyle thường được nhắc tới như một nghệ sĩ tranh trừu tượng và nhà quay phim cá tính thích vác máy trên vai. Ông gắn liền với những bộ phim như Tâm trạng khi yêu, Chungking Express, Anh hùng, Những con sóng vôhình, Người Mỹ trầm lặng...
    Chỉ nói riêng ở bộ phim Anh hùng – tác phẩm gây chấn động dư luận điện ảnh Trung Quốc và thế giới năm 2003 - 2004, Doyle đã khiến nhiều người phải ngưỡng mộ bởi khả năng “biết đẩy phim đến những giới hạn có khả năng trở thành siêu phẩm khác thường” (theo lời đạo diễn của phim là Trương Nghệ Mưu).

    Ấn tượng lớn nhất trong đặc điểm tạo hình của phim là màu sắc.

    Cùng với đạo diễn Trương Nghệ Mưu, nhà quay phim Christopher Doyle đã chọn ra những màu sắc có tính mỹ thuật cao và trở thành một trong những điểm hấp dẫn nhất của bộ phim.

    Chính ông có lần đã bày tỏ:

    “Vẻ đẹp của bộ phim chính là một câu chuyện được tô màu bởi những điểm nhìn khác nhau. Tôi nghĩ rằng đó là một quan điểm. Mỗi câu chuyện được vẽ lên bởi cảm nhận của một cá nhân”.

    Anh hùng trở thành một bức tranh tuyệt diệu với những cảnh quay võ thuật đẹp ngoạn mục trên nền màu sắc đậm chất tượng trưng. Mỗi trường đoạn phim là một “tông màu”. Các tông màu khác biệt rõ rệt, thậm chí đối chọi nhau. Không chỉ vậy, trong mỗi trường đoạn màu sắc của các yếu tố tạo hình như bối cảnh, trang phục, đạo cụ đều nằm trong một tổng thể thống nhất.

    [​IMG]

    Để có được những cảnh quay độc đáo nhất, Christopher Doyle và Trương Nghệ Mưu đã đi hàng trăm cây số để tìm bối cảnh lý tưởng cho mỗi cảnh phim. Đoàn phim gồm 300 người đã đi từ Đôn Hoàng ở phía Tây Bắc tỉnh Cam Túc tới phía Bắc Tứ Xuyên, chỉ cách thành phố cổ Hàng Châu ba giờ đồng hồ.

    Đoàn thậm chí cũng phải tới một khu rừng sồi nhỏ thuộc Mông Cổ để quay cảnh quyết đấu giữa Phi Tuyết và a hoàn trung thành của Tàn Kiếm (do Trương Mạn Ngọc và Chương Tử Di thủ vai) trong màn lá rơi ấn tượng.

    [​IMG]

    Trong cảnh này, Doyle đã hết sức kì công chọn góc độ máy quay, bố trí ánh sáng và tính toán màu sắc. Doyle kể: “Tôi phải bố trí một tay máy để ghi lại thời điểm những chiếc lá này chuyển từ màu xanh sang vàng. Chúng tôi đã dùng ba đến bốn máy quay cùng một lúc ở các góc quay khác nhau, thậm chí sử dụng cả một hệ thống phân loại lá”.

    “Nhà làm phim chơi ánh sáng”, “gã phù thủy điệu nghệ”, “nghệ sĩ vẽ tranh trừu tượng”, “bàn tay vàng”... Người ta còn gán cho Christopher Doyle nhiều biệt danh nữa, chỉ để nói lên tài năng quay phim tuyệt vời của ông - tài năng thổi hồn cho vạn vật mà ông lướt ống kính qua.

    · Điện Biên Phủ và trái tim quả cảm của những nhà quay phim chiến trường

    Thành công của nhà quay phim không thể thiếu lòng say mê, sự nhiệt thành khi cầm máy, thậm chí chấp nhận hiểm nguy và cả hy sinh.

    Những thước phim tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954 đã được hai tổ quay phim thực hiện giữa mưa bom lửa đạn. Những gì tổ làm phim chiến trường có trong tay là chiếc máy quay không chuyên 16 ly của Thụy Sĩ và 2000m phim. (Quay phim trong điện ảnh cần máy quay chuyên nghiệp cỡ 35 ly). Trước đó là nhiều ngày tháng trèo đèo lội suối hành quân tới chiến trường Điện Biên, lúc nào cũng đau đáu lo bảo vệ bằng được chiếc máy quay quý giá. Khởi hành từ Việt Bắc, hai tổ quay phim băng qua bến Âu Lâu (Yên Bái), vượt các đèo Lũng Lô và Pha Đin dài trên 30 cây số rồi nhập vào đại đoàn 308 lên Tuần Giáo, tiến sát cứ điểm Điện Biên Phủ.

    Điều kiện kĩ thuật không đủ, lại phải đối mặt với súng đạn, khói lửa, nhưng nhóm làm phim đã bám sát chiến trường trong 56 ngày đêm, ghi lại những thước phim quý báu về chiến thắng vĩ đại “chấn động địa cầu” của dân tộc ta. Vừa phải cầm máy, vừa phải cầm súng, ở đâu chiến sự diễn ra ác liệt nhất là có nhà quay phim tới đó để kịp ghi lại những hình ảnh chân thực và tiêu biểu nhất.

    Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Quỳnh, một thành viên trong một tổ quay phim lúc đó kể lại: “Khi ngồi trong lô cốt chiếm được của địch để quay chiến trận, vì ống kính máy quay quá nhỏ, tôi với anh Quý Lục phải thay nhau ra khỏi lỗ châu mai dọn những cành cây khô làm vướng ống kính để anh Tiến Lợi quan sát và quay được dễ dàng hơn. Dù nguy hiểm luôn rình rập, nhưng đó là cách duy nhất để chúng tôi tiết kiệm phim”. Để kịp quay cảnh trao trả tù binh Pháp ở một bản làng người Thái, tổ quay phim thứ hai phải đi đường tắt và lạc vào một bãi mìn. Một thành viên trong tổ đã vĩnh viễn để lại một phần cơ thể ở đây.

    Vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy và hy sinh, những nhà quay phim quả cảm đã góp vào trang vàng lịch sử dân tộc những thước phim quý về chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.

    [​IMG]
     

Chia sẻ trang này